NGHỆ THUẬT LẮNG NGHE VÀ ĐỐI THOẠI Ở REGGIO EMILIA

Nếu bạn hiểu về Reggio, bạn sẽ thấy mỗi một bài học, hành vi của Reggio đều muốn đem đến cho đứa trẻ bài học : kết nối trong yêu thương. Chính vì thế đứa trẻ Reggio học cách chấp nhận sự khác biệt nơi người khác, học cách tìm giải pháp mà không than vãn, học cách lắng nghe và thấu hiểu. Tất cả là một con đường. Con đường mà Reggio đi rất gần với con đường thầy Thích Nhất Hạnh đã chỉ ra. Trong video giới thiệu về Reggio, bản thân tổ chức Reggio Children đã viết lại câu nói này của Thầy: “There’s no way to peace, peace is the way.” (Không có con đường đến bình an, bình an là con đường.) Chúng ta nên hiểu như thế nào về quan điểm này?Reggio trên nền lý thuyết của John Dewey, tin rằng, “Education is not preparation for life, but life itself” (Giáo dục không phải là chuẩn bị cho đời sống mà chính là đời sống), tức là đứa trẻ không phải “học” qua lý thuyết giáo điều để chuẩn bị “sống” mà đứa trẻ “sống” và làm việc, tương tác và trưởng thành từng ngày thông qua những gì con làm. Quá trình “học” là một quá trình trải nghiệm thực tế, trải nghiệm hòa bình và hướng tới hòa bình.

Muốn đạt đến hòa bình, Thầy nói: Con phải biết lắng nghe và nói lời ái ngữ. (deep listening and loving speech). Ở Reggio, có một thuật ngữ thông dụng là: The pedagogy of listening (phương pháp sư phạm lắng nghe), xin giới thiệu với bạn phương pháp này của Reggio và cách áp dụng.Trước hết là tìm hiểu việc lắng nghe trẻ. Muốn trẻ lắng nghe, đầu tiên trẻ phải được lắng nghe. Không vô cớ mà mọi bức tranh của con đều được cô giáo hỏi han, chú thích, những câu chuyện con kể đều được cô giáo ghi nhận lại, từng câu nói của con dù là một từ cũng được cô trân trọng ghi vào nhật ký của con. Đối với trẻ, học lắng nghe không phải chỉ bằng tai mà trẻ lắng nghe cuộc sống bằng 100 ngôn ngữ, bằng TẤT CẢ các giác quan, trẻ ở Reggio lắng nghe tiếng động của bức tường, tiếng lòng của bức tường đang nghĩ gì, đang muốn gì, lắng nghe cả âm thanh và ánh sáng, lắng nghe rung động của mọi sự, trẻ em được học rằng, mọi thứ, mọi người trên thế giới đều có ước mơ, nếu giúp người khác hoàn thành ước mơ của họ, thì chính mình cũng đang hoàn tất ước mơ cho mình.

Tôi chiêm nghiệm mãi triết lý này, và ngộ ra rằng, chúng ta chưa hiểu đúng về nó. Riêng trẻ em, vì các em trong sáng, chưa có việc tranh giành và chà đạp để đạt được cái “của mình”, các em sẵn sàng đi thăm một khu chợ rồi về nói rằng, khu chợ này cần được trang trí lại, các em sẽ vẽ tranh cho bức tường lớn nhất ờ khu chợ. “Vẽ như thế nào?”, các em được hỏi. “Bức tường ước mơ gì?” Các em học cách đặt tay lên bức tường để “lắng nghe”, ngửi vài ngọn cây gần bức tường để hỏi bạn cây xem bạn bức tường muốn gì ? Cuối cùng, một bé nói “Bức tường muốn được thơm tho vì cả thành phố cũng sẽ được thơm tho”, “Và mọi người đều sẽ rất vui” bé khác nói. Con lắng nghe, lắng nghe mùi thơm của bông hoa, con vẽ lại mùi thơm này, thể hiện cảm xúc của con trước mùi thơm này. Các bé ở Sunshine vẽ lại mùi thơm hoa nhài, và cảm nhận bông hoa thông qua các giác quan của mình. Các em cũng được cô tạo ra các tình huống để cảm nhận tốt hơn, và các tình huống để các em muốn thay đổi và sửa chữa. Khi làm một bạn cá sấu giả trong trường, các em được hỏi thế bạn cá sấu mong muốn gì. Sau khi tương tác, các em quyết định sẽ làm nhà cho bạn cá sấu, vì “Ai cũng phải có nhà ở. “Vậy thì, context của cô giáo cho trẻ học lắng nghe đôi khi là một tình huống, một vấn đề được “visible” (trực quan hóa) để con cảm nhận, rồi để con tìm được sự đồng cảm và tình thương, từ đó con sáng tạo hoặc cùng sáng tạo để giải quyết vấn đề. Trong lúc cùng sáng tạo đó, con sẽ tương tác với các bạn khác, con nói lên hiểu biết của mình, con học cách lắng nghe mà không phán xét, học cách chia sẻ ý tưởng, phân công và cùng làm, vì một đam mê chung.

Tùy theo nhu cầu và tình cảm cũng như năng khiếu của mỗi bé mà các bé sẽ thỏa thuận với nhau vào một nhóm nhất định để cùng thực hiện một mục tiêu, việc cô giáo làm sẽ là hướng dẫn và khơi gợi sử dụng chất liệu, lại có một cuộc đối thoại với các chất liệu để hình thành tác phẩm, cô sẽ tìm chuyên gia cho bé khi cần (để bé hiểu rằng khi con thực sự muốn làm điều gì thì cuộc sống luôn đem đến cho con những người bạn lớn).Thông qua nhiều cuộc đối thoại, từ đối thoại với chất liệu đến đối thoại với nhiều người, đứa trẻ sẽ tìm ra chính mình, từ mong muốn đem lại ước mơ cho ai đó, con vật nào đó hay một sự vật nào đó, đứa trẻ sẽ cố gắng và vượt qua thử thách bản thân để cùng nhau đạt được hành trình này. Xuyên suốt quá trình đó, đứa trẻ học cách lắng nghe, lắng nghe và hành động vì người khác, thể hiện nhu cầu và năng khiếu bản thân một cách hòa bình và hài hòa với người khác.

Việc của giáo viên là tạo ra ba thứ: công lý, sự đối thoại giữa trẻ trong an nhiên và tin tưởng (ví dụ như việc thông cảm con sư tử của bạn ăn rau sư tử của mình ăn thịt, thay vì nói ai đúng ai sai, cô giáo sẽ đi tìm hiểu cùng trẻ, từ đó, tự nhiên biết rằng, trên đời này đúng là có con sư tử ăn chay thật), và cuối cùng, xây dựng được môi trường tự do và đầy đủ (như vật liệu đầy đủ) để con thể hiện chính mình). Khi thực sự đứa trẻ làm được điều con muốn làm, con tự nhiên tìm được chính mình. Giống như chúng ta vậy, chúng ta sẽ mãi mãi đặt câu hỏi mình là ai cho đến khi chúng ta làm được điều gì đó mà điều đó làm chính chúng ta hài lòng, nó không đến từ những gì chúng ta làm cho mình, mà đến khi chúng ta tìm được ý nghĩa từ việc làm của mình, nói đúng hơn, khi ta có thể giúp người khác thực hiện ước mơ của họ, chính là lúc ta tìm thấy ước mơ của chính mình đang được thực hiện. Obama hiểu điều đó, những nhà văn nổi tiếng hiểu điều đó, các triết gia thực sự hiểu điều đó, một kiến trúc sư vĩ đại hiểu điều đó, một bác sĩ chân chính hiểu điều đó và trẻ học Reggio phải hiểu được điều đó.Con hiểu rằng, đừng trở nên tầm thường dù con là ai, con không làm một mình, con có cả một cộng đồng cùng đi. Con được dạy rằng, hãy lắng nghe bằng con tim, lắng nghe bằng tất cả các giác quan, lắng nghe bằng tình thương, từ đó, hãy làm, hãy đối thoại, hãy tìm kiếm vì tất cả đều đã có trong đời sống này, từ những người bạn giúp con, những chuyên gia, những vật liệu mà con cần, và con làm để thực hiện ước mơ, vì ai cũng có ước mơ, và con cũng vậy.

Lắng nghe rất sâu và lắng nghe bằng tình thương là điều trẻ em Reggio học mỗi ngày, để từ đó chúng ta có một công dân toàn cầu, một công dân vì hòa bình.Hãy cho người khác hòa bình và hạnh phúc, con sẽ tìm thấy hòa bình hạnh phúc nơi con. Hãy cho người khác thực hiện ước mơ của họ, rối con sẽ thấy ước mơ nơi con.Tất cả bắt đầu bằng việc lắng nghe, Thật sự lắng nghe.Mỗi ngày con không phải học để chuẩn bị sống mà con đang sống, đang đi trên con đường đó, vì con không tìm kiếm hòa bình và hạnh phúc, mà con sống trong hòa bình và hạnh phúc, mỗi ngày, mỗi giờ.

There’s no way to peace, peace is the way, there’s no way to happiness, happiness is the way.CÁI MÀ SUNSHINE LUÔN KIẾM TÌM CHO ĐỨA TRẺ CHÍNH LÀ SỰ BÌNH AN VÀ HẠNH PHÚC THỰC SỰ TRONG TÂM. MỖI NGÀY. Hành trình Reggio không phải là hành trình một buổi, một khóa, mà là hành trình của một đời người, và nhiều hơn nữa.

Mrs.Catherine Yến Phạm

Hotline: 0868.599.139

ĐẶT LỊCH THAM QUAN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *